Trong các dịp nghỉ lễ, cuối tuần, nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức cho thanh thiếu nhi đi nghỉ mát, tắm biển… Khắp nơi, các bạn học sinh cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, rạch, ao, hồ... thì nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao.
Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ, đầm lầy, hồ bơi ... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trẻ,…Vì thế các bậc phụ huynh, thầy cô cần hiểu biết cách để phòng và kỹ năng xử trí tai nạn đuối nước là rất cần thiết.
* Để phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh, người chăm sóc cần quan tâm đến công việc sau đây:
1. Đối với trẻ lớn và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó rộng hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
2. Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
3. Những khuyến cáo để các bậc phụ huynh và các bạn phòng tránh đuối nước cho con em mình, cho các bạn như:
- Không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm
- Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu… để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
- Nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ cần làm cửa chắn và rào quanh nhà.
- Nên nhắc cha mẹ lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng.
- Nhắc cha mẹ làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng hoặc bể nước.
- Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, qua sông./.