Sau khi sắp xếp, ở phường, thị trấn chỉ có khu phố; ở xã chỉ có ấp. Việc sắp xếp sẽ căn cứ trên số hộ thực tế, quy mô số hộ theo quy định (khu phố sẽ từ 500 hộ dân trở lên, ấp từ 350 hộ dân trở lên), địa giới, ranh giới khu phố, ấp để chia nhỏ hoặc thành lập mới.
Đối với các khu phố, ấp đã hoạt động ổn định, ranh địa giới không thay đổi, có thể vận dụng thấp hơn hoặc lớn hơn quy mô số hộ dân để giữ nguyên khu phố, ấp.
Có 5 chức danh được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước gồm: Bí thư; trưởng khu phố, ấp; trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ và bí thư đoàn thanh niên.
Ngoài 5 chức danh nêu trên, người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng từ đoàn phí, hội phí, hỗ trợ kinh phí hoạt động và từ các nguồn quỹ khác.
Thành phố sẽ giữ nguyên mức 2.500.000 đồng/khu phố, ấp để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các khu phố, ấp.
UBND Thành phố yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đánh giá, dự kiến số lượng khu phố, ấp được thành lập mới trong quá trình thực hiện sắp xếp và nhu cầu bố trí trụ sở làm việc để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế địa bàn.
Phải lấy ý kiến người dân về đề án sắp xếp
Về quy trình thực hiện, UBND phường, xã, thị trấn sẽ xây dựng đề án sắp xếp khu phố, ấp (sáp nhập hoặc chia tách, thành lập khu phố, ấp mới). Trong đó, tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
Nếu được trên 50% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực sắp xếp tán thành thì UBND xã, thị trấn trình HĐND xã, thị trấn thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Kể từ ngày có nghị quyết của HĐND sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND cấp huyện (đối với phường thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND thì UBND phường trình UBND quận và TP Thủ Đức).
Trường hợp đề án chưa đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện tán thành thì UBND xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2. Nếu vẫn không được trên 50% thì báo cáo UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xem xét, quyết định.
Từ các hồ sơ hợp lệ đó, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng phương án tổng thể, hoàn chỉnh phương án, lập tờ trình gửi Sở Nội vụ thẩm định để trình UBND TPHCM.
Cũng theo kế hoạch, việc kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội ở khu phố, ấp được thực hiện sau khi hoàn thành công tác sắp xếp khu phố, ấp.
Nhân sự tham gia hoạt động khu phố, ấp do cấp ủy, chính quyền và đoàn thể phường, xã, thị trấn lựa chọn, đảm bảo theo quy định, công khai, dân chủ, bảo đảm số lượng, cơ cấu hợp lý; ưu tiên những người đang tham gia công tác tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trước khi sắp xếp.
Theo Sở Nội vụ, TPHCM đang có 27.377 mô hình tổ chức dưới phường, xã gồm 2.008 khu phố, ấp và 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân. Số lượng nhân sự làm việc 64.293 người, trong đó khu phố, ấp 17.407 người; tổ dân phố, tổ nhân dân 46.886 người.
Năm 2018, Bộ Nội vụ sau khi kiểm tra tổ chức bộ máy ở địa phương, đã yêu cầu TPHCM phải điều chỉnh 2 cấp dưới xã, phường còn 1 cấp để phù hợp với quy định chung.
Sau khi sắp xếp, TPHCM chỉ còn 5.242 khu phố, ấp. Số người hoạt động giảm còn 26.210 người.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ